Các bước xử trí đúng khi bị đâm vật nhọn nghi dính máu HIV

Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ, công tác trong lĩnh vực tham vấn cộng đồng về HIV, nhìn nhận hầu hết nạn nhân khi bị kim tiêm, vật nhọn đâm thường hoảng loạn nên cố gắng nặn máu ra càng nhiều càng tốt. Hành vi này rất nguy hiểm vì dễ tạo thêm những tổn thương viêm, làm tăng khả năng virus HIV xâm nhập vào cơ thể.

Xử trí khi bị đâm vật nhọn nghi dính máu HIV

Do vậy bác sĩ khuyên trong bất kỳ tình huống bị tấn công bởi kim tiêm, vật nhọn dù có dính máu ghi HIV hay không, điều đầu tiên cần nhớ là thật bình tĩnh để xử trí đúng cách. Dù kim tiêm chứa virus HIV thì các virus phải có thời gian mới xâm nhập được vào cơ thể. Hơn nữa điều trị dự phòng sau phơi nhiễm giúp giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm. Chính vì thế không phải tất cả trường hợp bị đâm kim tiêm dính máu HIV đều dẫn đến lây nhiễm bệnh.

Bác sĩ Thủ hướng dẫn 6 bước xử trí cơ bản trong trường hợp bị đâm kim tiêm, vật nhọn ghi chứa máu HIV như sau:

− Lấy dị vật gây tổn thương ra khỏi cơ thể (nếu có)

− Rửa vết thương dưới vòi nước sạch trong ít nhất 5 phút nhằm gội rửa bớt máu và dịch tiết dính trên đó.

− Sát trùng bằng dung dịch sát khuẩn.

− Băng vết thương bằng gạc, băng cuộn hay băng keo cá nhân.

− Nếu bị máu HIV bắn vào mắt hoặc mũi, miệng cần rửa các vùng này bằng nước sạch hay nước muối sinh lý (nacl 0,9%) liên tục trong 5 phút. Nhớ chớp mắt, ngâm khịt mũi hoặc súc miệng liên tục khi rửa.

− Nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử trí các bước dự phòng phơi nhiễm tiếp theo. Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV hiệu quả bảo vệ rất cao, lên đến 90-95% trong vài giờ đầu và duy trì trong khoảng 72 giờ tính từ thời điểm phơi nhiễm. Hiệu quả này giảm dần theo thời gian đến viện điều trị sau khi bị đâm. Do vậy, người phơi nhiễm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế và tham gia điều trị càng sớm càng tốt, không nên chờ đợi quá thời gian cho phép là 72 giờ. Ngoài ra, các trường hợp này cũng được khuyến cáo tiêm ngừa uốn ván.