Phân biệt men tiêu hóa và men vi sinh

1. Men vi sinh là gì?

Men vi sinh (probiotics) là chế phẩm chứa các sinh vật sống có lợi cho sức khỏe (lợi khuẩn). Lợi khuẩn giúp lên men thức ăn, sản xuất acid lactic, tạo hệ sinh thái cân bằng đường ruột, hạn chế nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, bảo vệ ruột già, ngăn sự phát triển quá mức của các vi khuẩn có hại, khắc phục rối loạn khuẩn ruột, giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn.

Hằng ngày, chúng ta bổ sung men vi sinh thông qua các nguồn thực phẩm như đồ chua lên men, phô mai, sữa chua, kim chi, dưa cải muối hoặc sử dụng trực tiếp men vi sinh thông qua đường uống. 

Trong đường ruột có rất nhiều vi khuẩn. Chỉ tính riêng đại tràng đã có tới hàng tỷ vi khuẩn với hơn 500 loài khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại có 3 chủng lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa.

  • Lactobacillus: Là chế phẩm sinh học phổ biến nhất, thường gặp trong sữa chua và các thực phẩm lên men, giúp cầm tiêu chảy, và hỗ trợ các trường hợp không tiêu hóa được đường sữa.
  • Bifidobacterium: Trong một số sản phẩm sữa, có công dụng giảm các triệu chứng hội chứng ruột kích thích (IBS) và một số trường hợp khác.
  • Saccharomyces boulardii là loại men tìm thấy trong chế phẩm sinh học để chống tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa khác.

2. Phân biệt men tiêu hóa và men vi sinh

Để phân biệt, bạn có thể tìm hiểu qua khái niệm, công dụng, cách sử dụng của chúng. 

Khái niệm

  • Men vi sinh: Là những sinh vật sống mà khi bổ sung một lượng thích hợp vào cơ thể sẽ có lợi cho sức khỏe.
  • Men tiêu hóa: Thực chất là những enzyme được tiết ra từ nước bọt, dạ dày, tuyến tụy, có vai trò chuyển hóa thức ăn, phân cắt thức ăn thành các phần tử nhỏ hơn.

Công dụng

  • Men vi sinh: Cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ giảm rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng, các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, biếng ăn, chậm hấp thu
  • Men tiêu hóa: Chỉ định trong trường hợp cơ thể thiếu men tiêu hóa, giúp tăng cường khả năng hấp thu ở người biếng ăn. Dùng cho những trường hợp cơ thể chưa đủ men tiêu hóa để hồi phục sức khỏe.

Cách sử dụng

  • Men vi sinh: Có thể sử dụng lâu dài, không ảnh hưởng nhiều tới cơ chế tự sinh của cơ thể.
  • Men tiêu hóa: Chỉ sử dụng khi có hướng dẫn của bác sĩ. Tuân theo liều lượng nhất định. Lạm dụng men tiêu hóa khiến cơ thể mất khả năng tự sinh enzyme, dẫn đến phụ thuộc vào men tiêu hóa.

Đối tượng sử dụng

  • Men vi sinh: Sử dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng, kể cả cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
  • Men tiêu hóa: Đối tượng được chỉ định, không tự ý mua men tiêu hóa về dùng.

3. Men vi sinh – Bào chế

Men vi sinh được phân phối dưới các dạng bào chế:

  • Dạng nước để trong các ống
  • Men vi sinh dạng siro
  • Men vi sinh dạng bột
  • Men vi sinh dạng viên nang

4. Tác dụng của men vi sinh

Không chỉ hỗ trợ tiêu hóa, cân bằng hệ vi sinh đường ruột, men vi sinh còn có những tác dụng bất ngờ như:

  • Tăng cường hấp thụ dinh dưỡng, ức chế vi khuẩn gây hại
  • Ngăn ngừa phản ứng viêm, tăng cường miễn dịch
  • Hỗ trợ điều trị một số bệnh lý nguy hiểm ở trẻ như viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh.
  • Hỗ trợ giảm huyết áp đối với người huyết áp cao
  • Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, gan nhiễm mỡ
  • Ngăn ngừa dị ứng thức ăn.
  • Cải thiện sức khỏe đường tiết niệu và âm đạo

5. Men vi sinh cho bé

Các tác động tích cực mà men vi sinh đem lại cho sức khỏe của bé:

  • Nâng cao sức đề kháng cơ thể.
  • Giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em.
  • Ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn có hại.
  • Tăng cường khả năng hấp thu của hệ tiêu hoá.
  • Giảm rối loạn tiêu hóa trong quá trình điều trị kháng sinh.
  • Chống táo bón, cải thiện khả năng dung nạp đường lactose.

6. Cách sử dụng men vi sinh

  • Men vi sinh có thể dùng trực tiếp hoặc pha với nước đun sôi để nguội, tùy vào chế phẩm.
  • Không nên pha men vi sinh với nước sôi.
  • Nên uống ngay sau khi pha để đảm bảo tác dụng. Để quá lâu khiến các vi khuẩn bị chết và giảm hiệu quả của men vi sinh.
  • Không nên uống men vi sinh cùng lúc với kháng sinh vì vi khuẩn có lợi có thể vô tình bị kháng sinh tiêu diệt. Nên uống men vi sinh sau khi uống kháng sinh ít nhất 2 tiếng.
  • Không dùng men vi sinh trong các trường hợp sau phẫu thuật ruột, bệnh viêm tụy cấp…

7. Men vi sinh và Tác dụng phụ

Nhìn chung, sử dụng men vi sinh thường không gây ra bất lợi nào đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, có một số người lại gặp phải triệu chứng như chướng bụng,  đầy hơi khi sử dụng. Ngoài ra, còn một số tác dụng phụ khác khi dùng men vi sinh, có thể kể đến như:

  • Nhức đầu: Thường xảy ra do các amin có trong thành phần men vi sinh. Các amin này có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và thay đổi lưu lượng máu, do đó gây nhức đầu.
  • Dị ứng: Một số chủng vi khuẩn có thể kích hoạt sản xuất histamin trong đường tiêu hoá. Gia tăng nồng độ histamin sẽ làm các mạch máu giãn ra và làm tăng tính thấm thành mạch máu, đồng thời tăng phản ứng viêm trong cơ thể với biểu hiện là các triệu chứng dị ứng như chảy nước mắt, ngứa, khó thở,…
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng đối với người có hệ miễn dịch suy yếu: bổ sung men vi sinh giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại nhiễm trùng với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, với người suy giảm miễn dịch, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng nguy hiểm.

Bên cạnh các tác dụng phụ không mong muốn trên, nếu trong quá trình sử dụng xuất hiện các dấu hiệu bất thường nào khác, người bệnh cần ngưng ngay loại men vi sinh đang dùng và thăm khám y khoa hoặc xin lời khuyên từ bác sĩ. 

Kết luận

Do nhiều nguyên nhân như dùng thuốc kháng sinh kéo dài, chế độ ăn không phù hợp, nhiều đạm, ít chất xơ… làm hệ vi sinh vật đường ruột bị mất cân bằng, dẫn đến nhiều bệnh lý khác nhau.

Vì thế, trong một số trường hợp, người bệnh cần bổ sung men vi sinh, chứa các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hoá, để điều chỉnh hệ khuẩn trong hệ tiêu hoá, ức chế, kiềm tỏa sự phát triển của các vi khuẩn gây hại và đem đến những tác động tích cực khác cho quá trình hấp thu dinh dưỡng, hỗ trợ điều trị bệnh lý chính cho người bệnh.

Trong trường hợp bị rối loạn tiêu hóa, bên cạnh việc sử dụng men vi sinh để bổ sung lợi khuẩn cho cơ thể, người bệnh nên tìm hiểu những sản phẩm thảo dược từ thiên nhiên, có tác dụng bồi bổ tỳ vị, khai thông khí huyết, chống viêm, tiêu trừ thức ăn ứ trệ trong bụng.

Chúng ta cần hiểu rõ và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để tránh các tác dụng không mong muốn do men vi sinh gây ra.